NÂNG TẦM LÃNH ĐẠO
Mai Hữu Tín
Bài thu hoạch từ buổi Chia sẻ của anh Mai Hữu Tín về chủ đề Nâng Tầm Lãnh đạo hôm 16/7/2023.
Nguồn: Chương Nguyễn
Chúng ta lãnh đạo có hiệu quả nhất khi chúng ta hiểu rằng:
* Phát triển cá nhân, tập thể, và hệ thống là việc phải làm trong kinh doanh.
* Tổ chức, cũng như con người, có Hệ thống Vận hành Nội bộ, tức là Văn hóa.
* Tổ chức không bao giờ vận hành ở mức cao hơn mức nhận thức của lãnh đạo cao cấp.
* Nhận thức tập thể của nhóm lãnh đạo cao cấp là nguồn lan truyền văn hóa chủ chốt.
* Công việc chủ chốt của lãnh đạo là lãnh đạo việc phát triển, tức là phát triển các lãnh đạo khác.
* Chúng ta không tách rời mình khỏi hệ thống.
* Chúng ta là một phiên bản thu nhỏ của hệ thống chung.
* Các nỗ lực thay đổi cá nhân và tăng hiệu quả nhóm dễ thất bại nếu chúng ta không thay đổi hệ thống hỗ trợ.
* Hệ thống tạo hiệu quả hay không là do chính chúng ta.
* Hệ thống sẽ không thay đổi trừ khi chính chúng ta thay đổi.
* Chúng ta phải thay đổi công khai và không giấu dốt.
* Không có cách an toàn nào để trở thành vĩ đại.
Nâng tầm lãnh đạo từ cấp độ:
1- lãnh đạo phản ứng
2- lãnh đạo sáng tạo ( creative leaderahip)
3- lãnh đạo toàn diện ( total leadership) là một yêu cầu và thách thức của doanh nhân trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh toàn cầu
Anh Tín nêu 3 khía cạnh và thiên hướng trong lãnh đạo và làm sao để phát triển mạnh cả 3.
Tâm – mạnh về con người
Trí – mạnh về tri thức
Ý chí – mạnh về kết quả
Ba khía cạnh này khá gần gũi với triết lý kinh doanh của ông Inamori Kazuo:
Thành quả trong cuộc đời và công việc = Cách tư duy (Tâm) x Nhiệt huyết (Ý chí) x Năng lực (Trí).
Gắn với câu chuyện "Doanh nhân Việt - Làm sao lớn" cách đây 4 năm ở Đà Nẵng, mình thấy trăn trở của một doanh nhân bước qua tuổi 54, tầm vóc người doanh nhân/ doanh nghiệp lớn lên cùng với khi anh ấy nhận biết và vượt qua những thách thức, việc bất đắc ý.
Tư duy thế nào cho đúng?
Hồi đó Anh Tín có nói về TƯ DUY và 7 chức năng:
1- LỰA CHỌN: Nghĩ và Làm đúng
2- TỪ CHỐI: Cám dỗ
3- MONG ƯỚC: Tốt hơn mỗi ngày
4- CHỐNG: Ảnh hưởng xấu
5- CHUẨN BỊ: Cho bất kỳ tình huống nào
6- MỤC ĐÍCH: Nguyên tắc dẫn dắt
7- CHẤP NHẬN: Không ngộ nhận giữa cái nằm trong và nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. (*)
TƯ DUY ĐÚNG dẫn đến NHẬN ĐỊNH ĐÚNG
NHẬN ĐỊNH ĐÚNG dẫn đến LỰA CHỌN ĐÚNG
Thế nào là LỰA CHỌN ĐÚNG?
Là LỰA CHỌN nằm trong QUYỀN KIỂM SOÁT.
10 Kỹ năng quan trọng nhất của Lãnh đạo Sáng tạo:
1. Kỹ năng con người mạnh: Có khả năng giao tiếp cao. Quan tâm, thấu cảm, nhiều tình thương, và tôn trọng. Kết nối tốt với người khác và làm cho họ cảm thấy có giá trị.
2. Có tầm nhìn: Truyền đạt được một tầm nhìn thuyết phục về tương lai giúp tạo ra sự đồng lòng. Biết và thiết lập được định hướng chiến lược cũng như các kế hoạch kinh doanh khiến tổ chức phát triển.
3. Có tinh thần đồng đội: Đoàn kết, gắn bó, và hỗ trợ nỗ lực của nhóm. Ủng hộ các thành viên của nhóm và tán thành các ý tưởng mới.
4. Thân thiện và Dễ gần: Nhiệt tình, khả ái và hài hước. Cởi mở. Dành thời gian cho mọi người.
5. Lãnh đạo bằng cách làm gương: Là hình mẫu tốt. Nói sao làm vậy.
6. Đam mê và Nghị lực: Tích cực, khát vọng, cam kết mạnh mẽ với sự thành công của tổ chức và của chính mình.
7. Biết lắng nghe: Chăm chú lắng nghe khi người khác trình bày quan điểm của họ.
8. Phát triển con người: Chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng làm thầy, làm cố vấn, định hướng phát triển nghề nghiệp … để bảo đảm nhân viên trưởng thành và phát triển.
9. Trao quyền cho nhân viên: Chia sẻ vai trò lãnh đạo và khuyến khích nhân viên gánh vác trách nhiệm, tìm giải pháp, tự ra quyết định, và học hỏi từ lỗi lầm. Tin vào khả năng của con người cũng như tinh thần sẵn sàng làm theo định hướng của họ.
10. Thái độ tích cực: Lạc quan, yêu đời với tinh thần mọi việc đều có thể làm được.
Tầm nhìn có Mục đích
Một khía cạnh cơ bản của lãnh đạo là bảo đảm tổ chức của mình tập trung vào một Tầm nhìn có Mục đích. Tầm nhìn có Mục đích là chiều kích gắn kết cao nhất với Hiệu quả Lãnh đạo. Để tạo ra Tầm nhìn, bạn cần dành đủ thời gian để xác định kết quả là gì ở cuối hành trình lãnh đạo mà hiện giờ chưa có. Bạn mô tả cuộc đời và công việc kinh doanh mà bạn mong muốn nhất. Bạn mô tả các việc đó đủ rõ để bạn nhận ra được khi bạn đạt được những điều đó. Bạn làm việc này bằng cách suy ngẫm với tư cách cá nhân, cùng với nhóm của mình, và qua trao đổi với các bên liên quan chủ chốt. Nói đơn giản là nếu bạn không tạo được nhóm lãnh đạo xoay quanh một Tầm nhìn có Mục đích thì có nghĩa là bạn không đang làm lãnh đạo.
Tạo ra một tổ chức luôn phát triển
Bạn cần tạo ra một tổ chức luôn phát triển. Bạn làm việc này bằng cách thực hiện từng bước xuyên suốt trong tổ chức của mình và thể chế hóa được nó.
Bằng cách nào? Bằng cách bắt đầu với chính cá nhân bạn và chịu trách nhiệm về chương trình phát triển của tổ chức; bằng cách phát triển đội ngũ lãnh đạo mà bạn có trong tay, thay các lãnh đạo không hiệu quả và không thể chuyển đổi, và thăng chức hoặc tuyển dụng các tài năng mà theo bạn có thể trở thành các nhà lãnh đạo hiệu quả; bằng cách tạo ra một môi trường giàu khả năng phản hồi; bằng cách đo lường và theo dõi quá trình phát triển để có phản hồi về việc phát triển liên tục của từng người; và bằng cách liên tục nâng cấp toàn bộ hệ thống theo thời gian.
Tất cả các nhà lãnh đạo trong nhóm của bạn đều cần làm như vậy với nhóm của họ, và cứ thế, cứ thế.
Chuyển đổi để Nâng tầm
Bước 1: Bắt đầu với chính bạn.
Nhìn thật kỹ bên trong mình để hiểu các điểm mạnh và điểm yếu của mình trong vai trò của một nhà lãnh đạo. Xem xét và suy ngẫm danh sách các điểm mạnh và yếu đó. Xem mình nằm ở đâu giữa một Lãnh đạo Sáng tạo và một Lãnh đạo Phản ứng, giữa Quan hệ & Công việc. Cụ thể ở các điểm sau:
• Nhận thức trước: Chấp nhận khoảng cách (với nơi mình mong đạt tới);
• Khai thác môi trường giàu phản hồi xung quanh mình;
• Tập trung vào Một Điều Quan Trọng
• Kêu gọi sự trợ giúp.
Bước 2: Phát triển các nhóm lãnh đạo.
Một khi bạn hiểu các điểm mạnh và điểm yếu của mình trong vai trò của một nhà lãnh đạo thì bước kế tiếp là chuyển sự tập trung của bạn đến các lãnh đạo dưới bạn. Việc này khởi đầu quá trình nâng tầm lãnh đạo vượt khỏi chính mình. Cụ thể ở các việc sau:
• Dẫn dắt chương trình phát triển;
• Đánh giá mức hiệu quả của cả cá nhân lẫn tập thể;
• Đặt đúng người vào đúng chỗ;
• Tạo sự thống nhất ở những vấn đề quan trọng nhất.
Bước 3: Xây dựng các hệ thống lãnh đạo.
Để tạo ra các thay đổi về mặt tổ chức có thể tồn tại lâu dài, bạn cần xây dựng các hệ thống phát triển khả năng lãnh đạo Sáng tạo hoặc cao hơn nữa xuyên suốt tổ chức của bạn. Cụ thể là:
• Tạo ra một tổ chức luôn phát triển;
• Tập trung vào việc đo lường các kết quả;
• Thể chế hóa chương trình phát triển.
Chuyển từ Phản ứng sang Sáng tạo trong 3 phần:
Hầu hết các bản giao hưởng xuất sắc nhất có ba phần. Mỗi phần phát triển trên nền của phần trước đó để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Việc chuyển từ phong cách lãnh đạo Phản ứng sang Sáng tạo cũng giống như vậy.
Chúng ta mô tả việc tiến hóa này theo 3 phần. Khi chuyển đổi, chúng ta đi từ:
* Do người khác quyết sang tự quyết;
* An toàn sang Mục đích;
* Tham vọng sang Phục vụ.
Máy móc đang ngày càng dẫn dắt khía cạnh kỹ thuật của việc lãnh đạo. Chúng ta có thể nghĩ đến một tương lai mà phần kỹ thuật này hoàn toàn có thể tự vận hành.
Thế nên lợi thế cạnh tranh lớn hơn sẽ thuộc về các lãnh đạo có kỹ năng tạo khát vọng, truyền cảm hứng, giải phóng sức sáng tạo và hợp tác trong đội ngũ của mình.
(*)“Xin Thượng đế hãy ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những gì không thể thay đổi được, lòng dũng cảm để thay đổi những gì có thể và sự khôn ngoan để phân biệt hai điều này”
God grant me the serenity to accept the thing I cannot change, the courage to change the thing I can and the wisdom to know the difference
TAG: #ybadanang #MaiHuuTin #incubator #danang #newleader #YBADaNang #2030danang
Nguồn: Nguyễn Văn Chương
CLB DOANH NHÂN 2030 ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: Tầng 2 Trụ sở Thành Đoàn, đường Xuân Thủy, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Email: [email protected]
Phone: 0935 221 866
Website: www.2030danang.com