CHƯƠNG TRÌNH KHỞI NGHIỆP THỤY SĨ Swiss Ep
Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (tên gọi ngắn: Swiss EP)[1] đóng góp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam từ cuối năm 2014. Được chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, Swiss EP triển khai tại 7 quốc gia bao gồm Việt Nam, Peru, Bosnia-Herzogovina, Serbia, Kosovo, Albania, và North Macedonia (Swiss EP, 2023)[i]. Ở Việt Nam, Swiss EP tập trung phát triển ba hệ sinh thái tại Hà Nội, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với cách tiếp cận hệ thống, Swiss EP xây dựng năng lực cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tới các đội nhóm và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Các tổ chức đối tác của Swiss EP bao gồm vườn ươm kinh doanh (incubator), chương trình tăng tốc (accelerator), mạng lưới cố vấn khởi nghiệp (mentor), các nhà đầu tư thiên thần (angel investor), và quỹ đầu tư mạo hiểm (VCs). Thông qua việc cải thiện năng lực cho các tổ chức hỗ trợ, Swiss EP tin rằng các startup sẽ nhận được dịch vụ có chất lượng tốt hơn, và nhờ đó sẽ có cơ hội thành công cao hơn, tạo thêm việc làm mới và huy động được nhiều vốn đầu tư hơn.
Swiss EP không cung cấp hỗ trợ tài chính. Swiss EP cùng với các đối tác xác định đâu là năng lực cần được tăng cường và công việc nào cần được ưu tiên thực hiện. Tiếp đó, chính các đối tác là người dẫn dắt công việc. Swiss EP có vai trò người đồng hành hỗ trợ, kết nối các nguồn lực và thúc đẩy thực thi. Phương tiện để Swiss EP hỗ trợ tổ chức đối tác là năng lực chuyên gia được cung cấp từ mạng lưới quốc tế và chính đội ngũ vận hành Swiss EP (Swiss EP, 2020[ii]; Swiss EP, 2023).
Chuyên gia quốc tế được Swiss EP cung cấp cho các tổ chức đối tác PO ( Partner Organisation) là những doanh nhân thành công, nhà đầu tư có uy tín, và các nhà sáng lập hay quản lý các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các hệ sinh thái phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, hay Israel. Các chuyên gia này thường làm việc trực tiếp tại cơ sở của đối tác trong thời gian từ 02 đến 04 tuần với chi phí sinh hoạt và đi lại quốc tế do Swiss EP đảm bảo. Thích ứng với Covid-19, Swiss EP triển khai các nhiệm vụ chuyên gia từ xa khi mà việc di chuyển quốc tế, thậm chí cả quốc nội, là không thể. Từ sau năm 2021, các nhiệm vụ chuyên gia kết hợp giữa hình thức làm việc trực tiếp tại cơ sở đối tác và từ xa được triển khai thường xuyên và có hiệu quả rõ rệt nhờ tăng thời gian làm việc chung và sự thấu hiểu giữa các bên.
Trong giai đoạn 2024-2027, cùng với sự dịch chuyển từ số lượng sang chất lượng và chuyên môn hóa nhiều hơn của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Swiss EP tập trung vào ba trụ cột:
(i) tăng tốc hệ sinh thái thông qua phát triển năng lực cho các tổ chức đối tác,
(ii) huy động nguồn vốn thông qua xây dựng năng lực cho cả nhà đầu tư và các startup; và
(iii) thúc đẩy quốc tế hóa thông qua việc gây dựng tư duy toàn cầu cho các nhà sáng lập và hỗ trợ kết nối nguồn lực cho các startup Việt Nam gia nhập hệ sinh thái thế giới.
Bên cạnh đó, Swiss EP cũng chú trọng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân khởi nghiệp, đối thoại chính sách công-tư, và các nỗ lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động khí hậu tích cực. Swiss EP quan tâm xây dựng năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang bước vào giai đoạn tăng trưởng (scale-up) và thương mại hóa thành tựu khoa học-công nghệ, kết quả nghiên cứu (Swiss EP, 2024[iii]).
Kinh nghiệm trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Sau 10 năm tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Swiss EP tự hào là đối tác tin cậy của hơn 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam. Swiss EP cũng là đối tác được các cơ quan trung ương như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền địa phương tại Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tín nhiệm tham vấn xây dựng chính sách và thiết kế chương trình phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và địa phương.
Trong giai đoạn 2019-2023, Swiss EP Việt Nam đã triển khai 70 nhiệm vụ chuyên gia, cùng với các tổ chức đối tác hỗ trợ hơn 2000 startups (trong đó, trên 38% là startup do phụ nữ sáng lập), tạo ra hơn 12.000 việc làm và huy động trên 123 triệu CHF (Swiss EP, 2024).
Kinh nghiệm trong thực hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Swiss EP ghi nhận trong 6 điểm dưới đây:
Tư duy xây dựng hệ sinh thái được thấu hiểu và ủng hộ từ cấp lãnh đạo;
Xây dựng hệ sinh thái gắn với định hướng phát triển và đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương;
Thúc đẩy hợp tác trong hệ sinh thái theo mô hình triple helix: nhà nước-doanh nghiệp-viện trường;
Gắn dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các sự kiện và hoạt động để tạo ra các chương trình hỗ trợ;
Thiết kế tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như một startup bắt đầu từ nhu cầu, mục tiêu mong muốn và nguồn lực sẵn có để hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững;
Bắt đầu với những người tiên phong tại địa phương.
Tư duy xây dựng hệ sinh thái được thấu hiểu và ủng hộ từ cấp lãnh đạo
Từ những năm 2010, thuật ngữ “môi trường kinh doanh” dần được thay thế bằng thuật ngữ “hệ sinh thái khởi nghiệp”, và sau này là “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” (hay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).
Kiến tạo môi trường kinh doanh chú trọng tới việc xác lập các điều kiện được cho là lý tưởng cho hoạt động kinh doanh. Những người kiến tạo môi trường kinh doanh tin tưởng rằng với những điều kiện lý tưởng này, thành tựu kinh doanh sẽ xuất hiện.
Với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những người kiến tạo tin rằng hoạt động kinh doanh vẫn luôn hình thành và phát triển dù có hay không những nỗ lực tạo tác các điều kiện thuận lợi. Ưu tiên của phát triển hệ sinh thái không dừng ở việc hình thành và hiện diện của đầy đủ các thành tố mà quan trọng hơn là thúc đẩy liên kết và hợp tác giữa thành tố. Các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể chia thành các nhóm lớn: người khởi nghiệp, nhà đổi mới sáng tạo, nhà sáng lập và nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước; các tập đoàn; các cơ sở đào tạo và viện trường nghiên cứu; các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (vườn ươm, chương trình tăng tốc kinh doanh, cộng đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các đơn vị tư vấn và đào tạo kỹ năng..); nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm; và các chương trình quốc tế hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái hướng tới mục tiêu tạo ra các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công – tạo thêm việc làm mới và huy động được vốn đầu tư cho phát triển, mở rộng kinh doanh.
Rất khó để xác định một công thức hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái đảm bảo thành công cho mọi mô hình kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bối cảnh địa kinh tế-chính trị, tiến bộ khoa học công nghệ ngày nay thay đổi rất mau chóng. Cùng với đó là lượng lớn thông tin dữ liệu phải xử lý đang tăng lên mỗi ngày càng khiến cho việc ra quyết định kinh doanh thách thức hơn. Giải quyết vấn đề trong các tình huống không thể định trước trở thành kỹ năng quan trọng của nhà lãnh đạo trong thế giới VUCA.[2] Ở hoàn cảnh này, công việc của hệ sinh thái là mau chóng xác lập hợp tác giữa các thành tố, triển khai hoạt động, đo lường kết quả, rồi điều chỉnh hay thậm chí là xóa bỏ hợp tác hiện có để hình thành hợp tác mới. Bên cạnh yếu tố thời gian, thì tiêu tốn nguồn lực (rõ ràng nhất là nguồn lực tài chính) ở mức thấp nhất có thể là tiêu chí quan trọng phản ánh chất lượng của hệ sinh thái.
Chẳng hạn, khi hỗ trợ một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gọi vốn đầu tư để mở rộng thị trường, rất khó để xác quyết vị cố vấn khởi nghiệp nào và nhà đầu tư nào là phù hợp. Những gì mà một hệ sinh thái chất lượng có thể mang đến cho doanh nghiệp này là nhiều cơ hội lựa chọn cố vấn cũng như tiếp xúc và trình bày kế hoạch phát triển kinh doanh với các nhà đầu tư. Điều kiện tiếp cận những cơ hội này tốt nhất là công bằng giữa các nhà sáng lập, không phân biệt giới tính, tuổi tác, ngành nghề hay bằng cấp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đa dạng các thành tố. Mỗi tổ chức và cá nhân trong hệ sinh thái lại theo đuổi mục tiêu và có động lực của riêng mình. Bởi thế, hệ sinh thái cần tổ chức và định hướng các thành tố phối hợp nhịp nhàng (nhằm tối ưu chi phí nguồn lực cho các nỗ lực hợp tác) theo một định hướng chung. Để làm được việc này, nhất thiết phải có sự thấu hiểu và ủng hộ từ cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đòi hỏi tầm nhìn phát triển dài hạn 10 năm, hay thậm chí 20 năm (Brad Feld, 2012)[iv]. Không chỉ là viễn kiến 20 năm cho những hành động vào lúc này mà mỗi quyết định phát triển tiếp theo trong hệ sinh thái đều hướng tới kết quả tác động của 10 năm hay 20 năm sau đó (Brad Feld & Ian Hathaway, 2020)[v]. Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ – thể hiện qua khát vọng tạo giá trị tốt đẹp và sẵn sàng đối diện với bất trắc – từ những người lãnh đạo là động lực và nguồn năng lượng thúc đẩy hệ sinh thái bền bỉ tiến về phía trước.
Xây dựng hệ sinh thái gắn với định hướng phát triển và đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương
Trước khi đòi hỏi sự thấu hiểu và ủng hộ từ lãnh đạo địa phương, câu hỏi cần trả lời là: vì sao nhà lãnh đạo nên quan tâm tới phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo? Ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo là phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Muốn thế, các mô hình kinh doanh sáng tạo cần liên tục xuất hiện để khai thác những lợi thế kinh tế cạnh tranh của địa phương. Cách tiếp cận hệ sinh thái với mục tiêu thúc đẩy hình thành kết hợp đa dạng các thành tố để tạo ra thật nhiều mô hinh kinh doanh sáng tạo qua quá trình thử-sai với nguồn lực tiêu hao thấp nhất là câu trả lời rất đáng quan tâm.
Như thế, phát triển hệ sinh thái gắn liền với đặc trưng kinh tế-văn hóa-xã hội địa phương. Đặc tính này thể hiện rõ nét qua thực tiễn các báo cáo quốc tế đánh giá mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – như Startup Genome[3] hay Startup Blink[4] – luôn đưa ra xếp hạng theo thành phố mà không phải quốc gia.
Thúc đẩy hợp tác trong hệ sinh thái theo mô hình triple helix: nhà nước-doanh nghiệp-viện trường
Để kiến thiết và thúc đẩy hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các quốc gia phát triển như tại Hoa Kỳ, Nhật Bản (Dũng, 2018)[vi], Thụy Sĩ (Dũng & Dũng, 2023)[vii], Singapore.. cùng áp dụng mô hình triple helix gắn kết Nhà nước, Doanh nghiệp và Viện trường.
Theo mô hình này, Nhà nước tài trợ để các mô hình kinh doanh sáng tạo vượt qua giai đoạn sớm (giai đoạn hạt mầm) nhiều rủi ro bằng nguồn lực trực tiếp và chính sách khuyến khích các thành tố đồng hành với nỗ lực kinh doanh sáng tạo từ rất sớm. Lợi ích của nhà nước thu được là năng lực cạnh tranh kinh tế của địa phương tăng lên, việc làm mới được tạo ra và cả thu nhập cho ngân sách địa phương. Mặc dù các mô hình kinh doanh sáng tạo cần thời gian để tạo ra lợi nhuận, nhưng nguồn thu thuế từ các khoản giá trị gia tăng và thu nhập mà những mô hình này có thể tới sớm hơn rất nhiều so thời điểm ghi nhận lợi nhuận doanh nghiệp.
Khi thành phố Đà Nẵng tài trợ trực tiếp khoảng 200 triệu đồng cho một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xây dựng nền tảng thương mại điện tử, chỉ sau 2 năm, Đà Nẵng đã có doanh thu thuế từ doanh nghiệp này gần 6 tỷ đồng. Đây không phải thuế thu nhập của doanh nghiệp mà là phần thuế thu nhập cá nhân mà doanh nghiệp trích nộp từ nguồn thu nhập mà những người bán hàng trên nền tảng tạo ra.
Khối Viện trường (học thuật) là nguồn cung cấp giải pháp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và kết quả nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu không nhất thiết trở thành nhà sáng lập nhưng cần nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và tư duy tích cực trong hợp tác cùng giới công thương, đặc biệt trong thương mại hóa tài sản trí tuệ với các tập đoàn. Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu là nguồn cung dồi dào nhân lực tài năng và trí thức mới cho hệ sinh thái.
Tại Thụy Sĩ, các công viên đổi mới sáng tạo gắn liền với những trường đại học hàng đầu. Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel (thủ phủ ngành công nghiệp đồng hồ) tọa lạc ngay đối diện Đại học Khoa học Ứng dụng Bern. Đại học này cũng là một cổ đông của Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel. Công viên Đổi mới Sáng tạo Zurich do viện công nghệ lừng danh ETH Zurich vận hành. Ở Lausanne, Công viên Đổi mới Sáng tạo EPFL nằm trong khuôn viên và thuộc sở hữu của trường bách khoa công nghệ EPFL có lịch sử hình thành từ 1853.
Khối doanh nghiệp, mà tiêu biểu là các tập đoàn công nghiệp, là những người hoàn tất công đoạn thương mại hóa. Trong nỗ lực xây dựng thịnh vượng bền vững, các thương nhân cần thay thế cố gắng hiện thực hóa lợi nhuận trong ngắn hạn bằng tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Cách tiếp cận hệ sinh thái trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho phép một địa phương xây dựng mô hình triple helix ngay cả khi sự hiện diện của viện trường và/hoặc tập đoàn không thực sự đầy đủ trên địa bàn. Địa phương có thể tận dụng tài nguyên bản địa và chính sách khuyến khích đầu tư, hợp tác để thu hút các tập đoàn và cơ sở nghiên cứu để khai thác thế mạnh cạnh tranh dựa trên đặc trưng kinh tế-xã hội.
Gắn dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp với các sự kiện và hoạt động để tạo ra các chương trình hỗ trợ
Kể từ sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ngày 18/05/2016, các sự kiện và hoạt động – như hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo, cuộc thi, giải thưởng – liên quan tới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nở rộ. Dù chất lượng ngày càng được nâng lên, nhưng do tổ chức trong những quãng thời gian ngắn so với hành trình dài phát triển của mô hình kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên các sự kiện và hoạt động chưa thực sự tạo tác động cải thiện và phát triển năng lực cho các nhà sáng lập và đội ngũ. Các chương trình hỗ trợ như ươm tạo, tăng tốc, cố vấn đồng hành.. cần thiết để duy trì nguồn cung dồi dào các mô hình kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tạo dựng và duy trì các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là công việc đầy thách thức. Với nguồn lực hạn chế, phần lớn các nhóm và doanh nghiệp khởi nghiệp không có khả năng chi trả cho các dịch vụ hỗ trợ. Thông lệ tại các hệ sinh thái phát triển trên thế giới là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả phí ươm tạo bằng một lượng cổ phần vốn chỉ có thể chuyển thành tiền khi doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư trong tương lai. Nói cách khác, dịch vụ hỗ trợ cung cấp ngay lúc này còn tiền phí dịch vụ thì có thể nhận về hoặc không trong nhiều tháng hay nhiều năm sau.
Ở đây, vai trò kiến tạo và dẫn dắt của chính quyền một lần nữa thể hiện rõ ràng. Nguồn tài trợ từ ngân sách công gần như điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính phủ như Singapore, Hàn Quốc, Israel đều dành những khoản ngân sách lớn tài trợ cho các dịch vụ hỗ trợ thông qua cơ chế đối ứng vốn nhà nước và vốn tư nhân hoặc thanh toán phí dịch vụ cho các tổ chức hỗ trợ đã được thẩm định. Thụy Sĩ không dành ngân sách liên bang để thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ nhưng các chính quyền địa phương lại rất tích cực tài trợ như một biện pháp tăng năng lực cạnh tranh của địa phương và thu hút các mô hình kinh doanh sáng tạo về địa bàn của mình.
Năng lực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ có thể xây dựng thông qua việc lồng ghép các dịch vụ này thành một phần của hoạt động liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, cung cấp dịch vụ cố vấn đồng hành (mentorship) giờ đây đã trở thành một tiêu chuẩn cho các cuộc thi khởi nghiệp bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng cơ bản về xây dựng mô hình kinh doanh, thấu hiểu khách hàng, bán hàng, hay thuyết trình gọi vốn.
Thiết kế tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như 1 startup bắt đầu từ nhu cầu, mục tiêu mong muốn và nguồn lực sẵn có để hướng tới một mô hình kinh doanh bền vững
Nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các địa phương và trường đại học thành lập trong những năm qua tại Việt Nam. Sự ra đời của các tổ chức này thường xuất phát từ định hướng của lãnh đạo địa phương và nhà trường với những nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, tài chính) ban đầu. Theo đó, nhân sự vận hành tổ chức hỗ trợ, thường được lựa chọn từ đội ngũ hiện có của chính quyền và nhà trường, xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm đạt được kết quả mục tiêu dựa trên nguồn lực được giao và có khả năng huy động. Với cách làm này, việc thành lập và tổ chức các chương trình hỗ trợ ban đầu diễn ra mau chóng. Nhưng làm sao duy trì vận hành ổn định và cải thiện chất lượng dịch vụ rất nan giải.
Câu chuyện của Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel gợi ý cách làm khác. Là thủ phủ của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, vùng Biel từng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khi ngành công nghiệp đồng hồ chính xác được chế tác thủ công của Thụy Sĩ phải đối diện với áp lực cạnh tranh từ ngành đồng hồ điện tử của Nhật Bản. Chính quyền Biel lựa chọn giải pháp xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp trong vùng để những thế hệ tương lai sẽ không phải gặp lại những ngày tháng khó khăn đó nữa. Thomas Gfeller[5] một doanh nhân địa phương với nhiều năm điều hành kinh doanh và cố vấn chiến lược cho các hội đồng quản trị được lựa chọn là người sẽ xây dựng một tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại Biel. Thomas đã dành 6 tháng để gặp gỡ các chủ doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau để tìm hiểu các doanh nghiệp cần gì và sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ nào từ một tổ chức như vậy. Khi Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel được thành lập, Thomas xác định đây sẽ nơi cung cấp dịch vụ để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa
(i) nhanh chóng tiếp cận các tài năng công nghệ (dịch vụ tư vấn công nghệ);
(ii) chế tạo và kiểm thử các sản phẩm mẫu (dịch vụ cho thuê máy móc chế tạo và thiết bị kiểm tra công nghệ cao).
Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel cũng có nguồn thu từ việc cung cấp địa điểm tổ chức sự kiện như hội thảo, đào tạo, trình diễn công nghệ.. Nguồn thu này tuy không đáng kể so với quy mô vốn đầu tư bỏ ra nhưng đã giúp duy trì dòng tiền ổn định trong những năm đầu vận hành và đưa Công viên trở thành điểm hội tụ của cả hệ sinh thái. Vào lúc thành lập, Thomas dự tính sau 8 năm vận hành, Công viên Đổi mới Sáng tạo Biel sẽ đạt tới điểm hòa vốn. Trên thực tế, Thomas cùng đội ngũ của mình cần tới 9 năm. Từ năm 2024, Thomas trở thành chủ tịch của Hiệp hội Các Công viên Đổi mới Sáng tạo Thụy Sĩ với 7 công viên thành viên.
Bắt đầu với những người tiên phong tại địa phương
Người tiên phong có thể là bất kỳ ai trong cộng đồng bản địa: một doanh nhân, một viên chức, một nhà sáng tạo, một giảng viên.. Điều quan trọng là họ có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, thể hiện ở khát khao kiến tạo giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, sẵn sàng đối diện với thách thức và tháo vát trong giải quyết vấn đề, tận dụng nguồn lực sẵn có thông qua hợp tác. Sự khiêm nhường và chấp nhận bỏ qua lợi ích cá nhân là phẩm chất cần có nơi họ. Những người tiên phong là nhân tố tạo nên thay đổi và gắn kết những nỗ lực rời rạc. Trong mỗi giai đoạn phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ ghi nhận sự lãnh đạo và dẫn dắt của những thế hệ người tiên phong tiếp nối nhau (Bread Feld, 2011).
[1] Swiss EP là chữ viết gọn của Swiss Entrepreneurship Program
[2] VUCA là cụm từ viết tắt của Volatile (Biến động), Uncertain (Bất trắc), Complex (Phức tạp) and Ambiguous (Mờ mịt).
[3] https://startupgenome.com/
[4] https://www.startupblink.com/
[5] Thomas Gfeller: https://www.linkedin.com/in/thomas-gfeller-477979106/
[i] Swiss Entrepreneurship Program. Swiss EP in a nutshell. 2023.
[ii] Swiss Entrepreneurship Program. The Swiss EP Way to Success. 2020.
[iii] Swiss Entrepreneurship Program Viet Nam. Swiss EP 2024: Designing Growth. 2024
[iv] Brad Feld. Startup Communities – Building An Entrepreneurial Ecosystem in Your City. Wiley. 2011.
[v] Brad Feld & Ian Hathaway. The Startup Community Way: Evolving an Entrepreneurial Ecosystem. Wiley. 2020.
[vi] Trần Trí Dũng. “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nhật Bản khác với thung lũng Silicon.” Khoa học và Phát triển. 2018.
[vii] Trần Trí Dũng & Nguyễn Trung Dũng. “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thụy Sĩ – Những điều Việt Nam cần làm.” Khoa học & Phát triển. 2023.
Cách tiếp cận của SWISS EP
Trái tim của bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào là cộng đồng của chính các doanh nhân. Và cộng đồng được xây dựng từ dưới lên, không bao giờ từ trên xuống.
Do đó, chúng tôi hỗ trợ các nhà xây dựng hệ sinh thái và các nhà lãnh đạo trong hệ sinh thái địa phương - những doanh nhân đó tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách phát triển các vườn ươm, chương trình tăng tốc, không gian làm việc chung, mạng lưới cố vấn và thiên thần - đồng thời giúp họ trở thành tổ chức mạnh hơn và cung cấp các chương trình tốt hơn và dịch vụ cho các doanh nhân của họ.
chúng tôi tin
Chúng tôi tin rằng giáo dục và tiếp xúc với các doanh nhân, chuyên gia khởi nghiệp, cố vấn và nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới sẽ thay đổi tư duy.
Chúng tôi tin rằng sự hợp tác giữa các doanh nhân trong một quốc gia và với các cố vấn và nhà đầu tư quốc tế là chìa khóa để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh.
Chúng tôi tin rằng khi mọi người có tư duy, nguồn lực và nguồn cảm hứng, và làm việc chăm chỉ để bắt đầu và mở rộng quy mô kinh doanh của mình, họ sẽ tạo ra sự phát triển và thịnh vượng cho đất nước của họ và hạnh phúc cho công dân của họ.
cung cấp hỗ trợ
Chia sẻ kiến thức: Chúng tôi tìm thấy những doanh nhân có bề dày thành tích trên khắp thế giới. Họ đi du lịch trong nước hoặc tham gia các sự kiện toàn cầu của chúng tôi để chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và niềm đam mê kinh doanh của họ. Họ là những chuyên gia chủ đề về quản lý, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, nội dung, tài chính, đầu tư, v.v. và có kinh nghiệm xây dựng không gian làm việc chung, thiết kế các chương trình khởi nghiệp và cố vấn. Họ chia sẻ kinh nghiệm của mình thông qua các hội thảo thực tế, các buổi nói chuyện, bài giảng đầy cảm hứng và các cuộc họp 1: 1.
Kết nối: Các doanh nhân quốc tế EIR ( Entrepreneur In Residence) của chúng tôi thường giới thiệu với những người trong mạng lưới của họ. Những kết nối này cung cấp cho các nhà xây dựng hệ sinh thái nguồn cảm hứng và chiến lược tăng trưởng cho các tổ chức và chương trình của họ, cũng như các công ty khởi nghiệp cá nhân với lời khuyên về cách mở rộng quy mô, mở rộng toàn cầu cũng như thời gian và địa điểm để gây quỹ.
Xây dựng cộng đồng: Các hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn đầu thường không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để phục vụ các doanh nhân trong tất cả các giai đoạn - từ thời điểm một người có ý tưởng, đến cách mở rộng quy mô kinh doanh đang phát triển của họ, tất cả các cách gây quỹ. Bởi Swiss EP phát triển quan hệ với nhiều nhà xây dựng hệ sinh thái, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy các khoảng trống hơn và có thể đề xuất các cơ hội hợp tác hỗ trợ toàn bộ môi trường khởi nghiệp.
Mục tiêu cuối cùng của Swiss EP là làm cho bản thân trở nên không liên quan. Để làm được điều này, các nhà xây dựng hệ sinh thái cần thúc đẩy sự phát triển của chính họ theo hướng mô hình kinh doanh tự bền vững. Họ dẫn dắt. Chúng tôi ủng hộ.
chúng tôi không
Nắm giữ: Các tổ chức địa phương chịu trách nhiệm về quá trình thay đổi của chính họ, vì vậy họ chọn sự hỗ trợ mà họ cần và chúng tôi đảm bảo rằng nó được thiết kế riêng cho họ.
Trợ cấp: Chúng tôi không tài trợ hoặc trợ cấp cho các tổ chức mà chúng tôi làm việc cùng.
Đưa ra định hướng: Chương trình của chúng tôi không tập trung vào ngành dọc hoặc ngành, nhóm tuổi hoặc phân khúc cụ thể. Đó là quyết định của hệ sinh thái để xác định ai mà họ phục vụ, không phải của chúng ta.
Điều hành các chương trình của riêng mình: Mọi thứ chúng tôi làm đều nhằm hỗ trợ các nhà xây dựng hệ sinh thái địa phương vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng của họ để tạo ra các giải pháp cho các vấn đề mà họ thấy trên thị trường. Do đó, chúng tôi không chạy các chương trình của riêng mình, mà chỉ tồn tại để hỗ trợ chúng.
Các quốc gia SWISS EP phục vụ
Albania
Bosnia-Herzegovina
Kosovo
Bắc Macedonia
Peru
Serbia
Việt Nam