Ông Nathan Do
Định cư ở Canada từ năm 1999, Đỗ Đắc Nhân Tâm (Nathan Do) theo học ngành công nghệ thông tin (IT) ở Đại học Waterloo - nơi được Bill Gates đến để tuyển đội ngũ IT cho mình. Năm 2015, Nhân Tâm về Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhận thấy nhu cầu thuê mướn người giúp việc nhà tăng nhanh ở các thành phố lớn, nhưng khả năng kết nối bị hạn chế, Nhân Tâm đã nghĩ tới việc cho ra đời phần mềm kết nối cung – cầu dịch vụ thuê người giúp việc. Với mỗi chiếc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bTaskee, người có nhu cầu thuê giúp việc theo giờ chỉ cần đăng và mô tả thông tin công việc. Vài giây sau, người giúp việc ở vị trí gần nhất tham gia dịch vụ của bTaskee sẽ nhận được thông tin và liên lạc trước với chủ nhà. Khách hàng có thể chọn số giờ cần giúp việc với mức chi phí từ 36.000 đồng/giờ, tùy vào tính chất công việc.
Đã có ý tưởng tốt, dự án có tính thiết thực nhưng Nhân Tâm lại vấp phải khó khăn về gọi vốn do rất ít quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Anh quyết định tiếp cận vốn đầu tư của nước ngoài và may mắn tìm được quỹ đầu tư lớn chấp nhận số tiền yêu cầu là 1 triệu đô la.
Giải pháp công nghệ “bTaskee” làm cầu nối cho dịch vụ giúp việc nhà theo giờ đã ra đời. Nhóm vận hành dự án có 16 người, trong đó có hai người Đức, một người Mỹ. “Tháng 3/2016, bTaskee ra đời và bước vào giai đoạn chạy thử. Chỉ sau 2 năm, đến nay, ứng dụng vừa cán mốc 5.000 việc được thực hiện. Bắt đầu ở quận 7 - TP.Hồ Chí Minh, hiện nay, bTaskee đang mở rộng các văn phòng ghi danh ra những khu vực tiềm năng trong thành phố với số lượng người giúp việc đăng ký ở TP.HCM đã hơn 400 người, chỉ với cách truyền thông ban đầu là truyền miệng.
Ngoài giải quyết việc làm, dịch vụ của bTaskee xóa bỏ khoảng cách giữa người thuê và người giúp việc. Thỏa thuận giúp việc là thỏa thuận ngang hàng giữa các đối tác. bTaskee cam kết chất lượng không chỉ ở quy trình tuyển lựa chặt chẽ mà cả quy trình đánh giá khách quan và liên tục với khách hàng. Trong số 5.000 việc đã được thực hiện, chỉ có 6 trường hợp có vấn đề phát sinh phải giải quyết. Hiện đội ngũ chăm sóc khách hàng của bTaskee có các nhân viên biết nhiều thứ tiếng, đáp ứng những khách hàng đến từ các nước khác nhau.
Nhớ về những ngày đầu, anh Tâm tâm sự, dự án này lấy rất nhiều mồ hôi và tâm huyết của anh cũng như cả nhóm. Nếu lập công ty để kiếm tiền thì việc chọn ứng dụng này không phải là cách tối ưu. Có người khuyên anh dự án này nên được khởi nghiệp ở nước khác thay vì ở Việt Nam. Thế nhưng, Tâm tin rằng bTaskee sẽ tạo thêm công việc cho người lao động. Và khi vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nó sẽ được biết tới như một câu chuyện khởi nghiệp của người Việt, xuất phát từ Việt Nam.
Sau hơn 2 năm hoạt động, bTaskee có trên 80.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và 3.000 người giúp việc được quản lý đầy đủ về thông tin cá nhân. Mỗi ngày có gần 1.000 đầu việc kết nối thành công. Khi tổng kết mức thu nhập của người giúp việc, không ít người đạt trên 10 triệu đồng/tháng, có người làm lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Với mức vốn ban đầu trên 200.000 USD, sau 2 năm hoạt động, mỗi tháng công ty của Tâm có doanh thu trên 3 tỷ đồng. Hiện, Công ty đặt mục tiêu 1.000 đầu việc mỗi ngày, sẽ phát triển ra các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Nha Trang, Hải Phòng. Trong vòng 6 tháng tới sẽ có mặt tại Thái Lan, và hy vọng 3 năm có mặt tại 4 quốc gia của Đông nam Á như: Philipinnes, Malaysia... “Hiện bTaskee đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư. Ngay hôm đoạt giải nhất trong Trại gọi vốn khởi nghiệp - là chương trình kết nối đầu tư dành cho các starup mang tầm cỡ quốc gia do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức vừa qua, chúng tôi đã có 2 nhà đầu tư Hàn Quốc, Singapore cũng muốn tham gia đầu tư vào bTaskee...”- Anh Nhân Tâm cho biết.
An Vui xóa nỗi ám ảnh… xe khách đường dài
Trước thực trạng bến cóc, xe dù không có kênh truyền thông tương tác hiệu quả với hãng xe, Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty An Vui cùng cộng sự của mình đã đưa ra “Phần mềm quản lý điều hành thông minh cho nhà vận tải-ANVUI”. Đây là phần mềm quản lý, điều hành tổng thể cho nhà vận tải từ khâu quản lý điều hành đến khâu bán vé và tiếp cận hành khách đặt vé online.
Hoạt động từ ngày 1/7/2017, An Vui đã khảo sát và thu thập được dữ liệu của 600 nhà xe trong cả nước và có 1.600 tuyến xe. Tất cả đều có thể tra cứu được trên hệ thống website http://anvui.vn
Giải pháp kỹ thuật của An Vui đã được cộng đồng Google đánh giá giải nhất về đột phá sáng tạo; phần mềm này đã nhận giải Nhân tài Đất Việt năm 2017. Với định hướng rõ ràng, An Vui là một startup hiếm hoi của cả nước có được tốc độ phát triển cao sau 6 tháng kể từ khi bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm để cho ra đời một sản phẩm với quy mô lớn. Hiện sản phẩm đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với các nhà đầu tư từ Mỹ và Việt Nam. Đây là một số ít các startup Việt Nam gọi vốn vòng 1 thành công và đang tiếp tục trên đà phát triển.
Phan Bá Mạnh cho biết, trong lĩnh vực vận tải đường dài tại Việt Nam hiện có khoảng 21.000 nhà xe, doanh thu toàn ngành rất lớn, đạt khoảng 2,1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà xe vẫn đang quản lý thủ công, chưa kiểm soát được chất lượng dịch vụ và thông tin đến khách hàng. Thế nên, đơn cử trường hợp của Interbusline, một hãng vận tải tại khu vực phía Bắc, kết quả dùng thử Phần mềm quản lý điều hành thông minh của An Vui trong 6 tháng cho thấy, doanh thu của nhà xe tăng 30%... Hiện công ty An Vui đã và đang hợp tác, cung ứng nền tảng dịch vụ cho gần 70 nhà xe lớn trên cả nước, doanh thu tăng trưởng 20 -30% hàng tháng.
Không chỉ phát triển mạnh mẽ ứng dụng này tại Việt Nam, Phan Bá Mạnh và cộng sự còn đang hướng đến việc đưa sản phẩm này ra thế giới ở những nước có hạ tầng giao thông vận tải hành khách liên tỉnh còn nhiều hạn chế như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar và Philippines...