HOLACRACY
1). HOLACRACY là gì?
Holacracy là kiểu mô hình quản lý không cấp bậc, không cần sếp hay chức danh. Như vậy thẩm quyền và quyền ra quyết định được trao lại cho từng cá nhân hoạt động trong từng nhóm, chứ không quản lý theo cấp bậc như công ty truyền thống.
Các công ty hoạt động theo kiểu ‘Holacracy’ sẽ chia công việc theo vai trò (role), chứ không theo bảng mô tả công việc (job description). Một người sẽ đảm nhận nhiều ‘role’ và nằm trong một nhóm được gọi là vòng tròn (circle).
Các thành viên trong nhóm và giữa các nhóm sẽ gặp nhau hàng tuần hoặc hàng tháng để trao đổi về công việc. Họ cũng có quyền đề nghị thay đổi chính sách trong nhóm, thay đổi hoặc hợp nhất các ‘role’. Không có sếp nên các thành viên trong nhóm tự đánh giá công việc lẫn nhau.
Chỉ có một số công ty đang hoạt động theo kiểu này trên thế giới ví dụ như Zappos. Tuy nhiên, tại Zappos, 14% nhân viên rời công ty năm 2015 do không phù hợp với kiểu tổ chức này. Một công ty khác là Medium từng nhiều năm hoạt động theo kiểu ‘Holacracy’ cũng từ bỏ vào năm 2016.
Có nhiều mặt tích cực, tiêu cực cũng như tranh cãi về quản lý theo kiểu ‘Holacracy’. ‘Holacracy’ được cho là làm tăng tính hiệu quả, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình trong tổ chức. Mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy khuyến khích thành viên trong nhóm chủ động đồng thời đưa ra quy trình giải quyết các vấn đề cần quan tâm trong nhóm. Hệ thống phân quyền làm giảm gánh nặng cho các nhà lãnh đạo để đưa ra quyết định.
Mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy cũng gặp phải nhiều chỉ trích về tính hiệu quả của nó như mất thời gian để đạt sự đồng thuận, quan liêu, các nhóm phụ trong một nhóm lớn nhận ít thông tin đưa xuống hơn, tăng gánh nặng về mặt tâm lý, gây khó khăn trong tuyển dụng, có vấn đề về thưởng phạt và lộ trình thăng tiến theo chức danh…
2). HIERARCHY - Mô hình quản lý trái ngược với HOLACRACY
Ngược lại với kiểu mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy là mô hình quản lý theo cấp bậc Hierarchy /ˈhaɪə.rɑː.ki/ . Quản lý theo cấp bậc là kiểu quản lý truyền thống của các công ty từ trước đến giờ, nghĩa là có nhiều tầng quản lý giữa nhân viên thấp nhất và cấp lãnh đạo cao nhất.
Đa số các công ty trên thế giới hoạt động theo kiểu mô hình phân cấp bậc Hierarchy
3). HOLACRACY hay HIERARCHY
Theo bài nói chuyện của Brian Robertson – Cha đẻ của mô hình quản lý không cấp bậc Holacracy vào tháng 11/2017, thì những nhân viên mới vào công ty phải học về mô hình quản lý này “Như học 1 ngôn ngữ mới”, và “Chưa có nhiều người sử dụng ngôn ngữ của Holacracy”:
“They have to learn, like learning a new language. And everyone speaks the language of management hierarchy in business. Not that many people yet that speak the language of holacracy.”
Mô hình quản lý nhân viên truyền thống vẫn hiệu quả hơn tại phần lớn công ty trên thế giới. Quản lý không cấp bậc không phù hợp với các công ty Châu Á vốn theo kiểu cổ điển, truyền thống. Các công ty mới thành lập sẽ phù hợp kiểu quản lý không cấp bậc hơn công ty đã hoạt động lâu năm.
Holacracy – Mô hình quản lý không cấp bậc.